Hôm nay, Thứ Tư trong Tuần IV Mùa Chay, phụng vụ lời Chúa nói chung và Phúc Âm nói riêng liên quan đến mạc khải thần linh của Thiên Chúa, một mạc khải thần linh đã đạt đến tột đỉnh ở nơi bản thân của Chúa Giêsu Kitô, và được chính Chúa Kitô bắt đầu chứng thực cho dân do Thái biết bằng các cuộc đối đáp giữa Người và họ.
Nếu để ý về tiến trình phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Chay thì gần 2 tuần đầu, tức từ Thứ Tư Lễ Tro tới hết Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng, các bài Phúc Âm liên quan tới các việc (chay tịnh, cầu nguyện, nhất là bác ái) Kitô hữu cần phải làm trong Mùa Chay; sau đó trong hai Tuần II và III Mùa Chay, các bài Phúc Âm nhấn mạnh đến sứ vụ và thân phận của Chúa Kitô liên quan đến Mầu Nhiệm Vượt Qua; sau cùng là Tuần IV và V, trực tiếp liên quan tới cuộc đ5ung độ giữa Chúa Kitô tỏ mình ra nhưng gặp chống đối nhất là của thánh phần lãnh đạo trong dân, cho tới khi họ âm mưu giết Người, ngay trước khi vào Tuần Thánh.
Chúa Giêsu đã lợi dụng chính vấn đề ngày hưu lễ cần phải nghỉ ngơi theo luật lệ và thông lệ của dân Do Thái để mạc khải cho họ thấy tất cả ý nghĩa sâu xa về việc làm đối với Đấng hiện hữu luôn sống động và năng động không bao giờ nghỉ ngơi, như chính Chúa Kitô khẳng định ở ngày đầu bài Phúc Âm hôm nay: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc".
Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu cho việc "người Do-thái chống đối (Người) vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát". Nghĩa là sở dĩ Người "hay chữa bệnh ngày sa-bát" là vì "Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc". Đúng thế, nếu căn cứ vào luật phải nghỉ ngày hưu lễ, tức là ngày thứ bảy, là vì ngày thứ bảy là ngày chính Thiên Chúa đã nghỉ, hoàn toàn không còn tiếp tục việc tạo dựng của Ngài như 6 ngày trước đó nữa, thì Chúa Giêsu đã làm điều sai trái, ở chỗ Người chẳng những phạm luật Moisen (cũng là luật Thiên Chúa ban cho dân do Thái qua ông) mà Người còn không đúng với ý nghĩa của ngày thứ bảy ban đầu nữa (xem Khởi Nguyên 2:2-3).
Tuy nhiên, nếu hiểu đúng nghĩa của ngày thứ bảy, thời điểm Thiên Chúa nghỉ việc tạo dựng, nhưng lại là thời điểm được thánh hóa: "Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày này..." (Khởi Nguyên 2:3). Nghĩa là ngày thứ bảy là ngày thánh trong tuần, ngày để làm những việc thiêng liêng với Chúa và lành thánh với tha nhân, xa lánh những mối bận tâm trần thế, chỉ chú tâm đến phần hồn hơn là phần xác (như làm việc xác v.v.). Đó là lý do Kitô giáo đã giữ ngày Chúa Nhật, thay ngày thứ bảy, vì là ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Kitô phục sinh. Chúa Kitô đến không phải để hủy lề luật mà làm cho nó nên tọn là như thế.
Con người ta là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa dựng nên sau cùng nhưng lại là loài tạo vật được Ngài chăm chú tạo dựng một cách rất đặc biệt theo chủ ý riêng của Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-28). Bởi thế, sau khi tạo dựng nên họ theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài, Ngài đã tiếp tục ở với con người, tiếp tục tỏ mình ra cho họ, nghĩa là thánh hóa họ, một việc thánh hóa chỉ xẩy ra trong ngày thứ bảy là thời điểm Ngài nghỉ việc tạo dựng bề ngoài để chuyên vào việc thánh hóa bề trong, ở chỗ làm cho con người tin vào Ngài, như Chúa Giêsu đã khẳng định về công việc của Cha Người: "Công việc của Thiên Chúa đó là hãy tin vào Đấng Ngài sai" (Gioan 6:29).
Vậy Chúa Giêsu chữa lành trong ngày thứ bảy là một việc rất chính đáng, chẳng những nên làm mà còn cần phải làm nữa, vì việc chữa lành của Người hợp với mục đích của ngày thứ bảy là ngày làm việc lành thánh, ngày thánh hóa con người, để nhờ được chữa lành nạn nhân đương sự và những ai quen biết đương sự tin vào Người mà được cứu độ, đúng như bản chất việc làm của Thiên Chúa trong ngày thứ bảy là ngày thánh, ngày Ngài thánh hóa con người nơi việc tỏ mình ra của Con Ngài, Đấng Ngài muốn con người tin tưởng mà được cứu độ và thánh hóa.
Chúa Giêsu quả thực đã chí lý khi cho dân Do Thái bấy giờ biết lý do tạo sao Người hay chữa lành vào ngày thứ bảy, đó là vì "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc". Trong bài Phúc Âm hôm nay, ở đoạn ngay sau đó, Người còn cho họ biết "Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy". Chẳng hạn, như Người trưng dẫn một việc quan trọng và chính yếu nhất của ngày thứ bảy là ngày thánh hóa đó là: "Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tùy ý Người", nên "Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời".
Ngày 09: Thánh Phanxica Rômana, quả phụ nữ tu
Thánh Phanxica sinh năm 1384 tại kinh thành La Mã trong gia đình quý tộc và đạo đức. Ngay từ buổi thiếu thời, thánh nhân đã có được nhiều đức tính như nhu mì, đơn sơ, trầm lặng, nết na, và không để cho mình bị lôi kéo theo cuộc sống thác loạn xa hoa của người đời. Ngài thường lui tới các bệnh viện và các trại tế bần để an ủi và chăm sóc các bệnh nhân, vì ngài thường nói: "Chính ở đó, Chúa dạy tôi nhiều bài học".
Khi lớn, Phanxica vâng lời cha mẹ đi kết hôn và sinh hạ được hai trai một gái. Trong cuộc sống gia đình, thánh nữ luôn tỏ ra là một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền và tận tâm.
Sau khi đã chu toàn bổn phận gia đình, thánh nữ đã dâng mình cho Chúa trong nhà dòng do chính ngài sáng lập. Ngài qua đời ngày 09/3/1440, hưởng thọ 56 tuổi. Xác người được mai táng trong nhà thờ của tu viện. Nơi đây, Chúa đã làm nhiều phép lạ do lời cầu bầu của thánh nữ.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô V đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1608.
